Sologan

   Địa chỉ: 123 Nguyễn Thái Bình, Phường 4, Quận Tân Bình, TP.HCM

    Văn phòng Chính: 123 Nguyễn Thái Bình, Phường 4, Quận Tân Bình, TP.HCM

   Chi nhánh Đà nẵng:  0903.145.113  ( Ms. Hiếu ) - Chi nhánh Bình Dương: 0903.326.113 ( Ms.Hoà ) - Chi nhánh Đồng Nai: 0933.396.999 ( Mr. Phú )

Bảo vệ Hoàng Vương Gia
Hồ sơ năng lực

Từ một nhân viên bảo vệ trở thành chuyên gia chứng khoán

Thứ hai, 22/12/2014, 22:29 GMT+7
Lượt xem : 1608

Trong 6 tháng, không một bộ hồ sơ nào của Thành nhận được hồi âm. Thậm chí những bộ hồ sơ chỉ xin làm bảo vệ  - vị trí mà Thành từng làm cách đó hơn 5 năm, cũng không được phúc đáp. Tại phường Hai Bà Trưng nơi Thành ở, cán bộ phường tưởng anh này bị hâm vì cứ vài ngày lại ra xin chứng nhận cả chục bộ hồ sơ xin việc mà việc này diễn ra hàng tháng trời. Tháng 8/2006, cơ hội lóe lên khi một công ty nhận Thành vào làm việc. Thế nhưng, chỉ sau hơn một tháng thử việc, Thành đã bị loại.

Cuối năm 2006, Thành nộp hú họa một bộ hồ sơ vào Công ty cổ phần chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (CTCK APEC), vị trí kế toán. Hy vọng để được gọi đến phỏng vấn của Thành gần như bằng 0. Thế nhưng, ngày 29/11/2006, Thành nhận được lời mời và được đích thân Tổng giám đốc phỏng vấn.

Sau đó, Thành được vị Tổng giám đốc này đề nghị đi làm ngay lập tức. Anh suýt khóc trước mặt vị Tổng giám đốc vì không tin vào tai mình và chỉ nói được lắp bắp một vài câu gì đó. Cho tới tận bây giờ, Thành vẫn xúc động khi kể về ngày mình được nhận vào làm việc. Khi kể lại câu chuyện về ngày được nhận vào CTCK APEC, Thành đã khóc...

Khi được hỏi về việc tuyển dụng Thành, người đã duyệt hồ sơ phỏng vấn của Thành tại APEC vào thời điểm đó, cho biết: “Người khác nhìn vào kinh nghiệm làm công nhân, bảo vệ… của Thành thì coi đó là điểm yếu, còn nhiều người lại nghĩ đó chính là điểm mạnh. Đọc tiếp hồ sơ thì mới thấy, Thành từ một công nhân đã đi lên vị trí kế toán trưởng...”.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Thành từ Quảng Ninh lên Hà Nội và được vào làm việc tại Công ty khóa Minh Khai với vị trí công nhân mạ điện cùng mức lương 300.000 đồng một tháng. Lúc đó, với Thành, được làm việc trong một công ty có tiếng tại Hà Nội đã là một may mắn, một hạnh phúc lớn.

Nhưng điều làm Thành may mắn hơn là Công ty khóa Minh Khai có chính sách thanh toán học phí cho những nhân viên có dự định học tập để nâng cao trình độ. Thành có cơ hội được thi và theo học tại chức ở ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội mà không phải mất học phí. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp, Thành được thuyên chuyển từ vị trí công nhân mạ điện lên một vị trí khác tốt hơn, lương cao hơn... nhân viên bảo vệ. Được “thăng cấp”, công việc cũng nhàn hạ hơn nhưng Thành lại không vui.

Năm 2005, Thành gia nhập Công ty cổ phần Khoáng sản và Thương mại Nam Việt với vị trí... kế toán trưởng. Được mang cái danh kế toán trưởng chứ thực chất phòng Kế toán chỉ có Thành và một thủ quỹ; bản thân Thành cũng chưa có chứng chỉ Kế toán trưởng. Thực tế, Thành được làm Kế toán trưởng vì Công ty Nam Việt mới thành lập, Thành cũng là kế toán đầu tiên của công ty.

Bù lại cái chức danh Kế toán trưởng “một mình”, Thành được làm các công việc của một Kế toán trưởng thực thụ. Từ chỗ chỉ là người thực hiện các công việc về kế toán, Thành được tổ chức công việc, quan hệ với các đối tác, ngân hàng... Cuối năm 2005, Thành tốt nghiệp khóa học Kế toán trưởng của Bộ Tài chính với xếp loại giỏi và đủ tiêu chuẩn để trở thành kế toán trưởng theo quy định của pháp luật.

Được trọng dụng tại Công ty Nam Việt và được làm nhiều việc hơn cả chức danh Kế toán trưởng, điều duy nhất khiến Thành hơi buồn là anh gần như bị biệt phái xuống Quảng Ninh. Mỗi tháng, Thành chỉ được về thăm nhà vài ngày và hiếm khi có cơ hội chơi cờ với cậu con trai. Cũng vì thế, sau hơn 1 năm làm việc tại Công ty Nam Việt và đạt được những thành quả nhất định, Thành lại quyết định xin thôi việc, tìm một việc làm mới để: “Tối về, mình có thể về đánh cờ với con trai”.

Quay trở lại Hà Nội, Thành vấp phải một sự thật phũ phàng. Những nỗ lực trong gần 13 năm học tập và làm việc đã đưa Thành từ vị trí một công nhân mạ tới chức danh kế toán trưởng nhưng hồ sơ làm công nhân, bảo vệ trong một thời gian dài, chỉ có bằng tại chức, không bằng tiếng Anh, không bằng tin học đã khiến hàng loạt công ty từ chối Thành từ vòng nhận hồ sơ.

Tháng 8/2006, một cơ hội lại lóe lên khi Thành được thử việc ở một công ty thương mại tại Hà Nội với vị trí kế toán. Tại đây, Thành được Ban giám đốc giao cho nghiên cứu về chứng khoán - một lĩnh vực mà Thành chưa từng nghĩ tới. Làm việc được hơn 1 tháng, Thành gần như chắc chắn bị loại, không được ký tiếp hợp đồng. Mặc dù vậy, Thành đã bị chứng khoán “hút hồn”.

Biết chắc là mình sẽ lại thất nghiệp, Thành quyết định đi đăng ký một học chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) dù biết cơ hội làm việc trong ngành chứng khoán của mình gần như bằng 0. Thế nhưng, cơ hội gần bằng 0 này dường như càng nhỏ hơn bởi cuối năm 2006 là thời điểm Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (UBCKNN) ưu tiên các học viên là nhân viên của các CTCK chuẩn bị được thành lập, các tổ chức tài chính lớn, những người bình thường gần như không thể đăng ký được. Tuy nhiên, sau hơn một tháng kiên trì bám trụ đăng ký, cuối cùng Thành cũng thành công trong việc đăng ký nhập học liền một lúc 2 lớp học chứng khoán: cơ bản và phân tích.

Sau gần 6 tháng thất nghiệp, số tiền Thành có chỉ đủ để đăng ký lớp cơ bản (1,1 triệu đồng), số tiền học lớp phân tích Thành phải đi vay 3 người bạn mới đủ để đóng (1,3 triệu đồng). Trong thời gian đi học chứng khoán, Thành nằm trong số những học viên chăm chỉ nhất lớp. Khi trò chuyện với các bạn học cùng lớp, không ai tin rằng, Thành đang thất nghiệp nên đi học chứng khoán; tất cả các học viên khác đều được cơ quan (CTCK hoặc ngân hàng) cử đi học. Nói không ai tin, khi được hỏi làm ở đâu, Thành chỉ… cười.

Kể từ khi được nhận vào làm việc tại APEC, Thành là một trong những nhân viên tích cực và luôn sẵn sàng làm bất cứ việc gì được giao. Trong những tháng đầu tiên, do hệ thống công nghệ thông tin vận hành chưa ổn định, ở vị trí kế toán lưu ký, Thành thường xuyên đến cơ quan trước 8h sáng và về nhà lúc... 11h30 tối. Tại CTCK APEC, Thành được coi là biểu tượng của sự cần mẫn và nhiệt tình. Thậm chí, một hôm phải nghỉ vì gia đình có việc, các đồng nghiệp đã đồn nhau "Anh Thành bị ốm nặng đang bị cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai”. Trong tâm trí của không ít nhân viên làm việc tại đây, chỉ khi bị ốm nặng đi cấp cứu thì anh chàng này mới xin nghỉ việc…

Sau hơn một năm làm việc tại CTCK APEC, năm 2008, Thành chuyển sang làm việc tại CTCK Trường Sơn - một CTCK mới, với vị trí Trưởng phòng Kế toán lưu ký. Tại công ty mới, Thành tiếp tục là một thành viên cần mẫn, nhiệt tình bậc nhất và chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề chứng khoán kể cả trong thời điểm khó khăn nhất của TTCK năm 2008.

Thành tâm sự: "Nghề chứng khoán đem lại cho mình niềm vui cùng rất nhiều kiến thức mới. Đó là điều khiến mình say mê và muốn theo cái nghề này lâu dài".

Khi nói đến TTCK, rất nhiều người thường nghĩ đến chuyện đổi đời. Dường như người ta chỉ nghĩ đến tiền, rất nhiều tiền khi mơ về TTCK. Thế nhưng, TTCK không chỉ có những giấc mơ về tiền mà còn có những "chuyện cổ tích" như của chàng công nhân mạ Trần Tiến Thành - một câu chuyện cổ tích của ý chí, niềm khát khao và sự trung thực. Chứng khoán đâu phải chỉ có tiền!

Khánh Linh


Người viết : admin
Các tin đã đưa ngày :